Ghép mai là một hình thức sinh sản vô tính rất phổ biến cùng với các hình thức khác như chiết hay giâm cành. Có thể nói việc ghép mai chính là mơ ước của con người từ bao đời nay. Trồng một cây mai nhưng có hoa không đẹp, nhìn thấy một cây khác có hoa đẹp hơn ,người ta có ước muốn làm sao mang hoa đẹp này đưa vào cây mai của mình để lúc nào cây mai cũng có những hoa như thế. Cái mơ ước “Di hoa tiếp mộc”  đã hình thành nhưng trước đây có mấy ai làm được. Việc ghép cây người ta đã biết từ lâu nhưng ở Việt Nam thì khởi đầu từ năm 1937 khi linh mục Nguyễn Trung Ngôn giáo xứ Phan Thiết giúp cho các Ông 2 Trí, 6 Trị ở Cái Mơn và một số người khác vào học Trường Canh Nông của Pháp để học các phương pháp ghép cây và chủ yếu là ghép bo và ghép đọt. Nhưng mãi đến những năm 70 do nhu cầu cần nhân giống nhanh một số cây chủ yếu là cây ăn quả nên việc ghép cây được thực hiện nhiều hơn, đến nay thì nó rất phổ biến . Một người trồng cây bình thường nếu để ý đến một số nguyên tắc cơ bản thì cũng có thể ghép được . Trước đây người ta không gọi là ghép hoặc tháp như hiện nay mà dùng từ ‘rép” được đọc trại ra từ tiếng Pháp là greffer

Vậy để ghép mai thành công và không tốn công sức, ta cần lưu ý các điểm sau:

– Thân ghép (cây mẹ) phải ở thời kỳ sung sức (có nhiều lá non trên ngọn., khi tách vỏ dễ dàng). Trước khi ghép nên có thời gian chăm sóc bón phân cho cây tốt hơn, (Có thể tưới Urê lõang trước khi ghép trên 10 ngày);

– Mắt ghép phải lấy ở những nơi cao, có nhiều ánh sáng, không bị sâu bệnh (nếu ta lấy chồi ghép đang bị bọ trĩ thì khi chồi phát triển bị bọ trĩ ngay từ khi còn trong bọc nylon cả những lọai nấm bệnh cũng có thể truyền từ cây mẹ sang chồi ghép và ngược lại) tuổi mắt ghép gần với tuổi cây mẹ thì tốt hơn;

– Cây mai phát triển nhanh từ giữa mùa Xuân và mùa Hạ, nếu mắt ghép phát triển trong giai đoạn sau Tết thì thích hợp nhất , vì thế nên ghép mai từ tháng 1 đến tháng 6 dương lịch là tốt nhất, tuy nhiên mai có thể ghép bất kỳ tháng nào cũng được, thường vào giai đoạn sinh sản khi ghép tược mai phát triển hơi chậm hoặc có khi bị ngủ không phát triển;

– Cây ghép có độ lớn bằng đầu cây đũa hoặc bằng ngón tay út thì ghép tốt nhất

– Ghép trực tiếp lên thân hay nhánh cũng được nhưng vỏ cây già khó tách , khi mắt ghép liền da thì phát triển hơi chậm hơn ghép trên cành còn non;

– Phải bao chồi ghép lại để chồi không bị héo trước khi liền da và nhận được dinh dưỡng của cây mẹ nhất là ở mùa nắng nhiều.

Tóm lại : Điều kiện cần và đủ để ghép thành công là: Cả cây mẹ và bo ghép không bị bệnh và phát triển tốt – Bo ghép tiếp nhựa được và không bị khô trong thời gian chờ được tiếp nhựa.

 

Viết bình luận