Cây mai ngoài thiên nhiên sống rất khoẻ vì có bộ rễ ăn sâu vào đất hấp thụ những chất cần thiết để phát triển, để kháng bệnh nó phát triển theo thời tiết một cách tự nhiên. nhưng với cây mai trồng trong chậu, bộ rễ bị cắt đi rất nhiều, đa phần chỉ còn loại rễ cám nằm hoàn toàn trong chậu, sống được nhờ dưỡng chất do người trồng cung cấp mà việc cung cấp này khó có thể đủ và đúng theo nhu cầu của cây ở từng giai đoạn . Muốn chăm sóc để mai có hoa nhiều trong ngày Tết thì người làm công việc nầy phải hiểu một cách cơ bản về các đặt tính sinh lý của cây mai như giai đoạn nào mai sinh trưởng, giai đoạn nào cây mai sinh sản , phải biết ở mỗi giai đoạn cây mai cần loại phân bón nào, cần phòng bệnh gì …để có biện pháp chăm sóc thích hợp. Công việc chăm sóc phải liên tục, chỉ cần lơ đãng vài ba ngày thì kết quả sẽ không như ý mình. Trong việc chăm sóc cần phải chú ý một số nguyên tắc như sau:

1/ Phòng bệnh hơn chữa bệnh:

Mai có đặc tính là cây hoang dã nên sức sống rất mãnh liệt ở môi trường thiên nhiên vì có bộ rễ phát triển rất mạnh nên chỉ cần ở một nơi có độ ẩm tương đối thì nó có thể sống được, nhưng khi ta trồng chúng trong chậu bộ rễ dài không còn nữa mà chúng sống nhờ vào hệ thống rễ cám sinh ra khi rễ cái bị cắt mất , vì vậy với cây mai trồng chậu nếu không đủ dinh dưỡng cây sẽ phát triển rất chậm và nhất là dễ bị sâu bệnh tấn công. Vì khả năng tự nhiên bị mất đi nên khi cây một khi bị bệnh sẽ chậm hồi phục, nếu bệnh nặng hơn cây bị suy thì việc hồi phục phải tính bằng đơn vị năm chứ không phải là vài ba tháng. Việc chăm sóc mai nhất là mai trồng chậu cần thiết phải chú ý:

a/ Phải đủ và cân đối dinh dưỡng cho cây muốn thế thì ta không nên bón nhiều phân vô cơ mà nên sử dụng phân có nguồn góc hữu cơ như: bánh dầu, phân Dynamic, phân gà, phân cút , hai loại phân sau nầy phải ủ thật hoai và không nên bón một lúc quá nhiều (bón ít và bón nhiều lần)

b/ Vệ sinh cây: phải rữa sạch rong rêu, nấm móc bám lâu ngày trên cây vì chúng chính là môi trường tốt cho các nấm bệnh bám vào. Thường xuyên kiểm ta và cắt tỉa bớt những cành mọc chen bên trong ( những cành nầy chỉ tranh dinh dưỡng chứ không cho được bao nhiêu hoa) nhất là trong mùa mưa.

c/ Phun ngừa sâu bệnh thường kỳ không để khi sâu bệnh tấn công rồi mới phun, cây dù có hết sâu bệnh cũng mất sức đi một phần. Nếu trồng ít thì nên dùng các thuốc có nguồn gốc sinh học hay vi sinh để phòng bệnh cho cây là tốt nhất ( Agrostim TM, Wehg,…)

2/ Hiểu về các bệnh về mai:

Tùy theo sức khỏe của cây mà có biện pháp thích hợp cho từng cây, không giáo điều rập khuôn theo một hướng dẫn nào đó vì những hướng dẫn đó chỉ mang tính chung chung cho các cây mai bình thường Thí dụ hướng dẫn như: sau Tết thay đất cho cây nhưng lúc ấy cây bị suy hoặc trời quá nóng hoặc cây đang bị sâu bệnh mà ta tiến hành thay đất thì có thể làm cho cây suy thêm hoặc có thể chết. Người chăm sóc mai phải biết nhìn tán lá , nhìn các biểu hiện của một số lá đánh giá được cây mai đang thiếu chất gì, dư chất gì, cần bón phân như thế nào…

Các trường hợp cụ thể sẽ được giới thiệu ở bài sau.

Viết bình luận