Tùy theo sức khỏe của cây mà có biện pháp thích hợp cho từng cây, không giáo điều rập khuôn theo một hướng dẫn nào đó vì những hướng dẫn đó chỉ mang tính chung chung cho các cây mai bình thường. Một số biểu hiện của cây chúng ta cần lưu ý:

-Lá cây bị vàng :

Trường hợp cây mới bứng: Những lá già bị vàng chứng tỏ một phần rễ bị mất đi phần còn lại không đủ khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng nuôi cây, nếu lá không vàng mà cả lá non lá già bị héo chứng tỏ bộ rễ bị tổn thương trầm trọng cây có thể chết nếu không được chăm sóc đúng mức.

Trường hợp cây đang trồng bình thường mà lá bị vàng: Có các trường hợp xảy ra:

+ Cây bị khô : cây không nhận đủ nước , lá sẽ biến màu nhạt rồi vàng, khô dần. Nguyên do nước tưới quá ít hoặc chỉ tưới ướt trên bề mặt đất và nước chưa đủ thấm xuống đã bốc hơi khô đi, có thể không khí quá khô làm lượng nước trong lá bốc hơi nhanh

+ Nước trong chậu bị đọng lại : Nước đã bịt kín các khe hở trong đất, không khí không vào được trong đất , một số chất hữu cơ trong đất dưới tác dụng vi khuẩn tạo ra khí độc cho cây như CH4, SO2 …Phải ngưng tưới, không được bón phân tiếp và xới đất (không để đứt rễ nhiều) lên để tạo thông thoáng, kiểm tra các lỗ thoát nước

+ Nhiệt độ quá cao : nhất là tháng sau Tết mai được chưng mất sức mà nền nhiệt quá cao làm mai thoát nước nhanh . Cần phải đưa vào nơi mát và thông thoáng, tăng cởng thêm đạm và kali cho cây .

+ Thiếu ánh sáng : Mai là cây thích ứng với ánh sáng mạnh, khi ta đặt cây vào các vị trí thiếu nắng có thể làm cho lá bị vàng nhạt.

+ Phân bón quá nhiều :Nhiều người muốn mai lớn nhanh nên bón phân quá nhiều và đôi khi bón liên tục , cây bị sốc phân làm cho bìa lá bị vàng, khô đi nhất là phân hữu cơ chưa hoai hoặc phân vô cơ qua liều . Phải ngừng ngay việc bón phân , tưới thật nhiều nước và tưới nhiều lần trong vài ngày, sau đó đem chậu vào nơi thoáng mát để yên cho cây, hàng ngày tưới nước vừa phải như các cây khác. Trường hợp bị sốc phân qua nặng nên thay chậu và thay đi một ít đất.

+ Đất có độ kiềm cao. Những vùng đất có khí hậu lạnh thường có độ kiềm cao, trong khi mai thì thích hợp cho vùng đất “hơi chua” Nên tưới thêm sulfat sắt 0.2 %

+ Thiếu phân : Lá sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau tùy theo thiếu nguyên tố gì nhưng thường thì màu xanh nhạt dần chuyển qua vàng, nhỏ. Cành phát triển yếu. Nên thay đất và tăng cường phân bón cho cây.

-Lá cây biểu hiện mất cân đối của dưỡng chất hay thiếu hụt một nguyên tố đa lượng , trung lượng hay vi lượng nào đó: Người trồng mai có kinh nghiệm có thể nhìn màu sắc của lá, các chi tiết khác biểi hiện trên lá có thể đoán biết được cây bị mất cân đối chất, cụ thể thiếu nguyên tố nào, xin có một vài thí dụ:

+ Thiếu nguyên tố Đạm :Lá có màu nhạt, còi,thân bé và nứt, nếu năng lá sẽ bị vàng khô nhưng ít bị rụng

+ Thiếu nguyên tố Lân: Lá có màu xanh sẫm, mọc chậm, gân lá có màu vàng hoặc tím, cuống lá màu tím và dễ rụng

+ Thiếu nguyên tố Kali: Lá phía dưới có đốm, đầu và mép lá bị khô vàng, biến thành màu nâu và xoắn, lá phía dưới dễ bị rụng

+ Thiếu nguyên tố Calci: Đầu lá khô thối thành dạng mốc câu, chồi thường bị chết, bộ rễ bị chết

+ Thiếu nguyên tố Sắt : Lá mới ra bị vàng nhưng gân lá có màu xanh, đầu lá khô và lan rộng, chỉ còn gân lá màu xanh.

+ Thiếu nguyên tố Manhê (Mg): Lá phía dưới vàng, xuất hiện đốm khô, gân lá không vàng, mép lá cuốn ngược, giữa gân lá vàng khô.

Thiếu nguyên tố Mangang (Mn)Lá mới ra bị vàng chỉ gân lá màu xanh, hình thành mạng lưới nhỏ, đốm bệnh ở khắp mặt lá, hoa nhỏ

Thiếu nguyên tố Bo ( : Đầu ngọn chết khô, góc lá non bị thối, thân và cuống lá dòn, bộ rễ bị chết nhất là đầu rễ

Thiếu Lưu huỳnh (S): Lá mới xanh nhạt, nhạt vùng giáp giới gân lá và thịt lá, có lúc có đóm nhưng không khô.

Hi vọng bài viết hữu ích cho các bác chơi Mai!

Viết bình luận